Không đăng ký kết hôn, chia tay có phải ra tòa?

05/11/2020  

Sống chung 5 năm nhưng không đăng ký kết hôn vì gia đình hai bên phản đối, giờ không còn tình cảm, chúng tôi có phải ra tòa để giải quyết?

 Sống chung 5 năm nhưng không đăng ký kết hôn vì gia đình hai bên phản đối, giờ không còn tình cảm, chúng tôi có phải ra tòa để giải quyết? (Ngọc Nga)

Luật sư tư vấn

Nếu hai bên nam, nữ chưa đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền mà chỉ tổ chức đám cưới tại địa phương thì được coi là chưa xác lập quan hệ vợ chồng, theo khoản 5 điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Tại khoản 7 điều 3 quy định: "Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng". Chung sống như vợ chồng được hiểu đơn giản là nam, nữ không phải là vợ chồng, không có quan hệ hôn nhân, không được pháp luật công nhận vì không có đăng ký kết hôn hợp pháp nhưng họ sống chung một nhà, chăm sóc, chia sẻ tình cảm, vật chất, tinh thần mặc nhiên như vợ chồng.

Về thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, điều 53 quy định: "Trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn, tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng theo quy định tại khoản 1 điều 14 của Luật này. Nếu có yêu cầu về con và tài sản thì giải quyết theo quy định tại điều 15 và điều 16 của Luật này".

Như vậy, bạn không đăng ký kết hôn nhưng chung sống với nhau như vợ chồng sẽ không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Hai bạn có quyền lựa chọn việc thực hiện thủ tục ly hôn tại tòa án hoặc không.

Nếu có mong muốn yêu cầu tòa án giải quyết việc ly hôn tại tòa án, bạn có thể nộp đơn xin ly hôn ra tòa án nhân dân cấp huyện nơi đang cư trú. Tòa án sẽ thụ lý, giải quyết theo các quy định của pháp luật hiện hành. Ngoài yêu cầu ly hôn, tòa án có thể yêu cầu tòa án giải quyết các vấn đề khác như tài sản chung, con chung giữa hai người trong thời kỳ chung sống như vợ chồng.

Luật sư Nguyễn Hùng

Công ty Luật Thiên Mã, Hà Nội

Theo VnExpress

 

Facebook chat